NHẬT KÝ ĐẶNG THÙY TRÂM – CUỐN SÁCH MANG LÝ TƯỞNG & KHÁT VỌNG SỐNG CAO ĐẸP, THẤM ĐẪM TÍNH NHÂN VĂN, CHÁY MÃI TÌNH YÊU VỚI TỔ QUỐC

Kính thưa các thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến! 

Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng dấu ấn mà nó để lại vẫn còn vang vọng mãi trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam. Hình ảnh những người anh hùng liệt sĩ sẵn sàng ngã xuống vì nền độc lập tự do vẫn còn đó, in sâu vào hồn thiêng dân tộc, sống mãi với non sông đất nước. Bởi vậy, để ghi lại hình ảnh người nữ chiến sĩ trong chiến tranh nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã từng viết:

“….Em nằm dưới đất sâu

Như khoảng trời đã nằm yên trong đất

Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng

Những vì sao ngời chói lung linh…….”

 Hình ảnh một nữ chiến sĩ – một nữ bác sĩ sẵn sàng hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho nền độc lập, tự do của dân tộc, đó chính là nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, được thể hiện rất rõ nét qua tác phẩm văn học rất đặc sắc “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.

 Cuốn sách được in trên khổ giấy 14x20cm, với 327 trang, do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Cách trang trí đơn giản mà đẹp mắt. Với gam màu xanh pha mộc mạc, từng câu chữ tiêu đề như thêm nổi bật. Đặc biệt, giữa mặt cuốn sách  chính là bức chân dung của bác sĩ Đặng Thùy Trâm với những trang nhật ký, miệng mỉm cười khe khẽ..

Tác phẩm đã thu hút người đọc ngay từ những trang đầu tiên qua lời giới thiệu về những tấm lòng và số phận kỳ lạ của cuốn nhật ký. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ ấy, cuốn nhật ký đã vô tình rơi vào tay một người lính Mỹ để rồi sau gần một phần ba thế kỉ lưu lạc, đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước 30/4/2005 nó đã trở về với gia đình liệt sĩ. Vậy tại sao khi người lính Mỹ này nhặt được cuốn nhật kí lại không đốt nó đi, mà lại phải mất bao nhiêu công sức để tìm và trao trả cho người thân của nó? Tại sao cuốn nhật ký có sức mạnh kì diệu tới như vậy? Trong cuốn nhật ký đó có thực sự có lửa hay không? Vì sao cuốn nhật kí lại được xuất bản tại 20 nước với 16 thứ tiếng? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cuốn sách nhé!

 Cuốn nhật ký gồm hai phần chính:

Phần I : Những ngày rực lửa.

Phần II : Những tư liệu ảnh.

Tuy không phải là một nhà văn nổi tiếng, nhưng với cách viết nhật ký mộc mạc, chân thành, Thùy Trâm đã khiến cho người đọc như được quay ngược với thời gian, trở về với những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Những trang nhật ký của chị cũng giống như một cuốn phim quay chậm trước mắt chúng ta bao đau thương, mất mát, khó khăn, gian khổ khiến người đọc không khỏi xúc động nghẹn ngào. Chị trăn trở băn khoăn “ Không lẽ quyển sổ nhỏ này cứ ghi tiếp mãi những trang đầy máu hay sao. Nhưng Thùy ơi, hãy ghi đi, ghi cho đầy đủ tất cả những máu xương, mồ hôi nước mắt của đồng bào ta đã đổ hai mươi năm nay.Và ở những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh sinh tử này, mỗi sự hy sinh đều đáng ghi đáng nhớ nhiều hơn nữa…”

Không những thế những dòng nhật ký ngắn gọn mà tha thiết, chứa đựng toàn bộ ý chí bất khuất, kiên cường của một người con gái vốn được sinh ra nơi chốn đô thành vậy mà giờ đây lại phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Mở đầu trang nhật ký chị đã viết “Đời người phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố”, phải chăng đó là phương châm sống để chị vượt qua những ngày tháng gian khổ này. Có dễ dàng gì đâu khi công việc tại bệnh xá luôn căng thẳng đón từng đợt thương binh từ chiến trường cam go? Khó khăn biết mấy khi phải chỉ huy cả bệnh xá chống chọi lại với những trận khủng khiếp của kẻ thù. Và đau đớn thay khi phải chứng kiến biết bao nhiêu cái chết.

Các bạn thân mến, trong cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” ngoài những trăn trở trong cuộc sống của một chiến sĩ cách mạng thể hiện lý tưởng và khát vọng sống cao đẹp, những ghi chép của chị còn trải rộng ra tình cảm bao la đó là “Tình người”. Phải chăng trong lửa đạn ác liệt, khoảng cách giữa sự sống và cái chết mong manh làm cho con người ta gần nhau hơn, dễ hiểu nhau hơn và hi sinh vì nhau nhiều hơn. Trước những số phận như Bốn, Khiêm, Đường…và rất nhiều bệnh nhân không ghi tên khác, người bác sĩ trẻ ấy luôn tìm được sợi dây đồng cảm sâu xa

Cuốn nhật kí được khép lại vào ngày 20 tháng 6 năm 1970. Bởi hai ngày sau đó chị đã hi sinh anh dũng trong một trận càn của địch. Với gần 300 trang sách, nhật ký Đặng Thùy Trâm đã khiến người đọc cảm nhận sâu sắc và thấm thía nỗi đau của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh. Chị khao khát đến cháy lòng ngày hòa bình thống nhất Bắc Nam để được về với mẹ, về với mảnh đất Hà thành thân yêu. Những lời tâm sự cứ tự nhiên nhẹ nhàng mà thấm vào tâm khảm của từng bạn đọc như lời thiết tha chân tình chạm đến mọi trái tim. Đi qua những trang sách ta như thấy mình đi qua trái tim của cả một lớp thanh niên thời đại – những con người giàu tình cảm ấy luôn cháy trong lòng tình yêu quê hương đất nước. Những con người ấy vẫn cao lớn mà sao trở nên thân thương, gần gũi mà đáng mến quá đỗi. Từng câu từng chữ đều có sức tác động mạnh mẽ đến tiềm thức của lớp thanh niên thời bình phải làm sao cho xứng đáng với ông cha ta ngày xưa.

Để giúp bạn hiểu thêm những năm tháng hào hùng của dân tộc Việt Nam ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hãy tìm ngay cho mình cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” để cùng đọc nhé!

Thông tin tuyển sinh: https://w.sputnikschool.edu.vn/

TRƯỜNG LIÊN CẤP SPUTNIK

Khơi nguồn sáng tạo, thắp sáng tương lai

—————————————

https://sputnikschool.edu.vn/

125 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội

0935 366 655

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *